Việt Nam có bao nhiêu diện tích lúa đạt tiêu chuẩn GAP/VietGAP?
diện tích sản xuất lúa ở ĐBSCL đạt tiêu chuẩn gap/vietgap là bao nhiêu.
Khi TBKTSG Online đặt câu hỏi về việc Cục trồng trọt có thống kê diện tích sản xuất lúa ở ĐBSCL đạt từ tiêu chuẩn GAP/VietGAP trở lên là bao nhiêu hay không, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Thanh Tùng xác nhận, đơn vị này hiện không có số liệu.
Nông dân đang thu hoạch lúa.
Từ những tranh luận xung quanh câu chuyện “90% người tiêu dùng Việt Nam đang ăn gạo bẩn” được một doanh nghiệp phát biểu mới đây, câu hỏi được đặt ra là, ở Việt Nam nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, có bao nhiêu diện tích sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP? Tiêu chuẩn "thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn của Việt Nam" này được xác định là chuẩn mực của một sản phẩm an toàn hiện nay.
nguyên nhân
Do Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa nắm được số liệu diện tích lúa đạt tiêu chuẩn từ GAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) trở lên nên sản lượng lúa, gạo đạt chuẩn GAP cũng khó thống kê được đầy đủ.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An tại một tọa đàm trực tuyến diễn ra mới đây cho rằng, 90% dân số Việt Nam đang ăn gạo “bẩn”. Ông Bình lý giải: Khái niệm "sạch" mà ông nói là gạo phải đạt tiêu chuẩn từ GAP trở lên, còn không đạt thì xem là gạo "bẩn".
Theo ông Bình, tổng diện tích đất sản xuất lúa hàng năm của Việt Nam là 4,5 triệu héc ta. “Như vậy, nhận định 90% người tiêu dùng Việt Nam ăn gạo "bẩn" hay nói cách khác chỉ 10% người tiêu dùng ăn gạo sạch, có nghĩa ở Việt Nam hiện nay chỉ có 450.000 héc ta (tức 10% diện tích đất canh tác lúa của Việt Nam - PV) sản xuất đạt tiêu chuẩn từ GAP trở lên”.
cách sản xuất lúa truyền thống.
Theo vị doanh nhân này, với cách sản xuất lúa truyền thống, lạm dụng phân thuốc hóa học như thực tế diễn ra hiện nay trên đồng ruộng, thì hầu như tất cả đều còn tồn dư dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm, “có điều tồn dư ít hay nhiều trong sản phẩm thôi”, ông nói.
Trước lập luận nêu trên, có không ít ý kiến tranh luận khi cho rằng, sản phẩm "không" đạt tiêu chuẩn GAP "không" đồng nghĩa đó là sản phẩm “bẩn”, tức vẫn có thể an toàn.
Chính vì vậy, có ý kiến cho biết, việc lập luận sản phẩm "không" đạt tiêu chuẩn GAP mặc định là sản phẩm “bẩn” là một đánh giá, nhận xét hồ đồ mang tính chủ quan, gây hại đến cả ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Vậy câu hỏi được đặt ra, đó là căn cứ vào đâu khi cho rằng sản phẩm "không" đạt tiêu chuẩn GAP vẫn là "sản phẩm sạch, an toàn"?
Trả lời trên báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quý Dương, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra lập luận, các tỉnh phía Nam thường có giai đoạn cuối cần phải phun thuốc bảo vệ thực vật trên lúa để trừ bệnh đạo ôn cổ bông và lem lép hạt. Loạt phun cuối thường được phun kép, muộn nhất cũng trước thu hoạch 20 - 25 ngày.
Trong khi đó, các loại thuốc phòng trừ các bệnh trên có thời gian cách ly dài nhất cũng thường chỉ 7 ngày. Vì vậy, kể cả trong trường hợp nông dân phải phun thuốc bảo vệ thực vật muộn, nguy cơ rủi ro có tồn dư thuốc trên gạo vượt mức dư lượng tối đa cho phép là vô cùng thấp.
Còn với các tỉnh phía Bắc và Trung bộ, các đợt phải phun thuốc bảo vệ thực vật muộn rất ít xảy ra, thường muộn nhất để trừ rầy lứa 6, 7. Lúc này, lúa chỉ mới chắc xanh đến đỏ đuôi, tức cách thời gian thu hoạch khoảng 15 - 20 ngày nên nguy cơ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật đáng kể trên gạo cũng vô cùng thấp.
Căn cứ vào thời gian cách ly để cho rằng nguy cơ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm gạo thấp nhằm kết luận gạo “vẫn an toàn” liệu có hoàn toàn chuẩn xác?
Rõ ràng, trong câu chuyện phân định sản phẩm gạo “an toàn” hay “bẩn” với tỷ lệ ra sao để có khuyến cáo cho người tiêu dùng, nhất thiết cần phải có nghiên cứu, phân tích và đánh giá một cách khoa học, có luận chứng, luận cứ, chứ không thể kết luận chỉ dựa vào thời gian cách ly hay sản phẩm đạt hay không đạt GAP được.
nguồn sưu tầm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét