Thứ Ba, 8 tháng 9, 2020

Nhiều diện tích lúa bị chết bất thường tại Cà Mau


nhiều diện tích lúa hè thu chết bất thường.
Thời gian gần đầy, nhiều hộ dân tại xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã rất bức xúc trước việc nhiều diện tích lúa Hè Thu của gia đình bị chết bất thường, nhiều nhận định cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng một loại thuốc diệt cỏ gây nên.


Sau khi phun thuốc, những chỗ lúa bám thuốc đã xuống ủ và chết lõm, những cây lúa còn sống cũng không phát triển.

Đại diện cho các hộ dân có lúa bị thiệt hại, ông Nguyễn Văn Cảnh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời trình bày, các hộ dân đã mua thuốc diệt cỏ cho lúa có nhãn hiệu Whip’S 7.5EW để sử dụng. Sau khi phun xịt loại thuốc trên thì nghịch lý ở chỗ, lúa chết nhưng cỏ không chết.

Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Hòa, ấp Bảy Ghe, xã Khánh Hải cho biết: “Lúa được gieo sạ 17 ngày thì tôi mua thuốc Whip’S 7.5EW để diệt cỏ. Tuy nhiên, chỉ 3 ngày sau, tôi phát hiện 1,3 ha diện tích lúa đã phun thuốc diệt cỏ (trong tổng số 3,2 ha) bị héo đọt, sau đó là chết hẳn, những cây lúa không chết thì có rễ đen lại, không phát triển".

Cũng theo ông Hòa, ông chỉ sử dụng 1 loại thuốc diệt cỏ có nhãn hiệu Whip’S 7.5EW và có tăng liều để tăng hiệu quả diệt cỏ. Dù vậy, cỏ không chết nhưng lúa thì bị chết. “Khi mua thuốc thì đại lý không tư vấn tăng liều sẽ bị ảnh hưởng. Sau khi lúa gặp sự cố, gia đình tôi đã phải tốn thêm chi phí khoảng 30 triệu đồng để giặm lại lúa. Hiện diện tích lúa có nguy cơ không trổ nhiều, giảm năng suất”, ông Nguyễn Văn Hòa, trình bày.

lúa héo do thuốc xịt diệt cỏ 
Khi lúa phát triển được 33 ngày tuổi, với tổng diện tích gần 1,3 ha diện tích trồng lúa, anh Trần Chí Bền, ngụ ấp Lung Tràm, xã Khánh Hải mua 12 chai thuốc có nhãn hiệu Whip’S 7.5EW về để diệt cỏ. “Tôi không pha trộn gì thêm và sử dụng đúng liều lượng khuyến cáo. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau lúa bắt đầu héo rũ và chết dần, rễ thì đen lại không phát triển”, anh Bền cho hay. Sau đó, gia đình đã tích cực sử dụng thuốc dưỡng lúa. Theo quan sát, lá dù đã xanh tốt trở lại, nhưng phần dưới gốc lúa lại có hiện tượng thối đen, không phát triển.


Không thể bỏ ngang vụ lúa quan trọng nhất trong năm, nên khi xảy ra tình trạng trên, các hộ dân đã tích cực khắc phục, cứu lúa với nhiều giải pháp khác nhau. Vì thế mà chi phí đã tăng vọt từ vài triệu đến vài chục triệu, thế nhưng, hiệu quả đến đâu thì còn phải chờ.

Những nơi lúa chết lõm, cỏ dại (nhạt màu) mọc lên nhanh chóng.

Liên tiếp vào các ngày 27/7 và 11/8, UBND xã Khánh Hải đã nhận được đơn của các hộ dân thuộc ấp Trùm Thuật, Trùm Thuật A, Bảy Ghe và Lung Tràm phản ánh về tình trạng trên. Sau đó, UBND xã Khánh Hải đã cử bộ phận chuyên môn để xác minh vụ việc.

tổng diện tích lúa ảnh hưởng là 10ha
Cụ thể, theo báo cáo 340/BC-UBND, ngày 24/8, của UBND xã Khánh Hải thì, sau khi kiểm tra quy trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật các hộ dân hầu hết đều sử dụng đúng liều lượng theo hướng dẫn của đại lý (1 trường hợp tăng liều); tình trạng lúa khi kiểm tra những chỗ lúa bám thuốc đã xuống ủ và chết lõm, những cây lúa còn sống không phát triển so với những cây lúa không bám thuốc.


Bà Nguyễn Bích Loan, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hải thông tin, tổng diện tích lúa bị ảnh hưởng là gần 10 ha của 6 hộ dân, mức độ thiệt hại từ 30 - 80%. Hiện nay, các trà lúa đã được người dân tích cực khắc phục bằng cách giặm lại và bón phân.  

“Sau khi nhận được phản ánh của các hộ dân, xã đã tiến hành xác minh, sau đó, chúng tôi đã mời đại lý, đại diện công ty bán thuốc và nông dân đến để làm việc. Xã đóng vai trò làm trung gian để có thỏa thuận phù hợp giữa các bên, tuy nhiên, sau 2 lần làm việc, giữa các bên không đi đến được thỏa thuận chung”, bà Nguyễn Bích Loan thông tin.

Lý do không đi đến thỏa thuận chung là bởi các hộ dân cho rằng, ở các hộ sử dụng thuốc Whip’S 7.5EW, dù sử dụng đúng liều hay tăng liều, có pha trộn hay không không pha trộn và sử dụng dù đúng ngày hay không theo khuyến cáo thì đều có hiện tượng lúa chết. Sau thời gian khắc phục, cây lúa ra rễ yếu, có khả năng giảm năng suất. Do đó, các hộ dân đã tiếp tục đề nghị, phía công ty và hai đại lý cần có bồi thường thỏa đáng cho các hộ dân có lúa bị thiệt hại.

Ông Nguyễn Văn Sơn (ấp Trùm Thuật B, xã Khánh Hải), chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Hai Sơn, một trong 2 đại lý bán thuốc diệt cỏ Whip’s 7.5EW cho các hộ dân cho hay, đây là năm đầu tiên đại lý bán loại thuốc diệt cỏ này.

“Ban đầu người có công ty xuống tự tư vấn bán trực tiếp cho nông dân, sau đó gửi lại thuốc cho các đại lý tự bán. Tuy nhiên, sau khi sử dụng, nhiều hộ  dân ở địa phương có phản ánh về việc lúa bị héo và chết chòm. Ngay sau đó, đại lý đã ngưng bán loại thuốc nói trên”, ông Nguyễn Văn Sơn nói.

Thuốc bảo vệ thực vật có nhãn hiệu Whip'S 7.5EW được cho là nguyên nhân khiến nhiều diện tích lúa bị chết bất thường. 

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Nguyễn Trần Anh Huấn - phụ trách phát triển thị trường khu vực của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bayer Việt Nam, thông tin: “Phía đại diện công ty đã có 2 lần làm việc với nông dân nhưng chưa đi đến thống nhất. Công ty cũng chuẩn bị có văn bản gửi lại UBND xã Khánh Hải liên quan đến vụ việc. Do khi vụ việc xảy ra nông dân chưa báo cho bên cơ quan chuyên môn mà chỉ báo cho xã nên chúng tôi có văn bản đề nghị Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đứng ra giải quyết vụ việc một cách rõ ràng và khách quan”.

nguồn sưu tầm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét