Gạo Việt có lợi thế cạnh tranh rất lớn
gạo việt rộng mở xuất khẩu sang EU
Việc Chính phủ ban hành nghị định quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU sẽ giúp gạo thơm rộng cửa hơn để vào thị trường này, dù vẫn còn nhiều việc phải làm.
Giá lúa những tháng đầu năm nay tăng đều và bắt đầu tăng mạnh trong tháng 9-2020, khi thị trường xuất khẩu gạo khởi sắc
Dù giá gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU rất cao, bình quân khoảng 700 USD/tấn, nhưng kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường này những năm qua vẫn còn rất khiêm tốn. Trong năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam sang EU đạt khoảng 5,6 triệu USD, con số này của năm 2019 là 10,7 triệu USD và sáu tháng đầu năm nay đạt 7 triệu USD.
gạo việt sẽ có giá cạnh tranh hơn.
Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), so với nhu cầu tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo/năm với trị giá hàng tỉ euro, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này hầu như không đáng kể.
Nhiều doanh nghiệp cho biết nguyên nhân của tình trạng này là do thuế suất mà EU áp lên gạo nhập khẩu từ Việt Nam thời gian qua khá cao, lên tới 175 EUR/tấn với gạo xay xát, 65 EUR/tấn với gạo tấm, 211 EUR/tấn với lúa.
Khi thuế nhập khẩu gạo Việt Nam vào thị trường EU về 0%, theo cam kết trong EVFTA, gạo Việt Nam có lợi thế cạnh tranh rất lớn, nhất là khi 2 nhà xuất khẩu gạo lớn vào EU là Campuchia và Myanmar vẫn chịu thuế đến hết năm 2021.
Một doanh nghiệp cho rằng dù hạn ngạch ưu đãi thuế mà EU dành cho Việt Nam chưa nhiều, chỉ mới có 80.000 tấn gạo các loại (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm) nhưng đây là khởi đầu rất tốt cho hạt gạo Việt Nam xâm nhập và mở rộng thị trường nhiều tiềm năng này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết sau khi nghị định 103 quy định về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU được ban hành, đã có 3 doanh nghiệp gửi hồ sơ và cục đã cấp phép cho 1 hồ sơ.
"Một số lô gạo đã được xuất đi EU nhưng doanh nghiệp xin cấp giấy chứng nhận và gửi hồ sơ sau. EU sẽ căn cứ hồ sơ, đơn vị nào nộp trước sẽ cho nhập vào đủ 30.000 tấn gạo thơm", ông Cường nói.
phải đảm bảo an toàn có thể truy xuất nguồn gốc.
Theo lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), để gạo thơm xuất sang thị trường này được thuận lợi, vẫn còn nhiều việc hiện phải làm. Thời gian tới Bộ Công thương sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng và Thương vụ Việt Nam tại khu vực tiếp tục rà soát, cập nhật, theo dõi sát nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng và cơ chế, chính sách nhập khẩu của thị trường EU và các nước thành viên.
"Các thông tin sẽ được cập nhật kịp thời cho doanh nghiệp để phục vụ công tác định hướng kinh doanh, xuất khẩu cũng như chủ động phối hợp, ngăn ngừa, giải quyết sớm các vụ việc phát sinh", vị này nói. Đồng thời cho biết bộ cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, hàng rào kỹ thuật và thương mại của khu vực đối với mặt hàng gạo.
Ngoài ra, Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT rà soát, đàm phán ký kết hiệp định, thỏa thuận về sự phù hợp và công nhận lẫn nhau về chất lượng sản phẩm, về tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm với các thị trường tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo Việt Nam và làm cơ sở định hướng sản xuất và xuất khẩu.
nguồn sưu tầm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét